Theo Tổng cục Thống kê dự báo, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số già, kéo dài trong 28 năm (2026-2054), tương ứng với tỷ trọng dân số từ 65 tuổi chiếm từ 10,2% đến 19,9%. Sau đó là thời kỳ cơ cấu dân số rất già (2055-2069), tương ứng tỷ trọng dân số từ 65 tuổi chiếm từ 20% đến dưới 29,9%.
Ở góc độ vĩ mô, già hóa dân số đang tác động đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội bao gồm thị trường lao động, tài chính, nhu cầu về các hàng hóa, dịch vụ, giáo dục, an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi… Tốc độ già hóa dân số có xu hướng tăng mạnh đang rút ngắn thời kỳ dân số vàng, đòi hỏi Việt Nam có các chính sách phù hợp về phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là chính sách cho thanh niên, tạo việc làm, chăm sóc sức khỏe sinh sản, đảm bảo quyền bình đẳng giới…
Xét trên góc độ cá nhân, sự gia tăng nhanh chóng của dân số cao tuổi sẽ đặt gánh nặng chăm sóc lên vai các thành viên trẻ tuổi trong gia đình. Cùng với đó, tình trạng này cũng dẫn đến tình trạng số lượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ giảm, dẫn đến nguy cơ suy giảm dân số.
Theo bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, già hóa là một tất yếu của sự phát triển. Chúng ta phải chuyển hướng trọng tâm từ việc đơn thuần giúp tiếp cận với tuổi già sang giúp tiếp cận với một tuổi già vui vẻ và hạnh phúc và tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của xã hội và đất nước.
Nhìn nhận trên khía cạnh tích cực, dân số cao tuổi không có nghĩa hoàn toàn là gánh nặng mà đây là cơ hội lớn cho các ngành kinh tế dịch vụ cho người cao tuổi.
Trước những chuyển biến trên, bạn đã và đang chuẩn bị gì khi về già?